Bệnh lao là gì? Nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh lao

0
901
bệnh lao

Bệnh lao là một trong những căn bệnh dẫn đến tử vong hàng đầu thế giới. Thường gặp nhất là lao phổi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh lao có thể gây ra nhiều di chứng nguy hiểm. Nghiêm trọng nhất là dẫn đến tử vong.

1. Bệnh lao phổi là gì?

Bệnh lao (TB) là bệnh lây nhiễm do một loại vi khuẩn có tên khoa học là Mycobacterium tuberculosis gây ra.

Vi khuẩn gây ra bệnh lao không những tấn công phổi mà nó còn có thể tấn công các bộ phận khác của cơ thể thông qua việc di chuyển nhờ đường máu hoặc hạch bạch huyết; ví dụ: não, thận, cột sống, … để làm tổn thương và gây bệnh tại bộ phận đó. Tuy lao có thể ảnh hưởng đến tất cả cơ quan trong cơ thể nhưng phổi và hệ hô hấp là hai cơ quan thường xuyên bị mắc bệnh nhất.

Vi khuẩn lao có cấu tạo khá đặc biệt, có thể tự phát triển và kháng lại một số loại kháng sinh thông thường. Do đó, ngay cả khi hiện nay kháng sinh được nghiên cứu và phát triển rất đa dạng; tuy nhiên loại thuốc được chọn lựa điều trị lao lại không đa dạng và tình trạng kháng thuốc đôi khi làm cho việc điều trị khá khó khăn. Bệnh lao có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

2. Triệu chứng nhận biết bệnh lao phổi

2.1. Các triệu chứng phổ biến

Nếu đang trong giai đoạn ủ bệnh của lao, bệnh nhân sẽ không nhận thấy có gì bất thường. Đa số bệnh nhân không có triệu chứng nào rõ rệt, dễ nhận biết. Ở giai đoạn này, người nhiễm lao cũng chưa có khả năng lây lan cho người khác. Vì thế người bệnh thường chỉ phát hiện bệnh lao phổi khi bệnh đã phát triển.

Tùy vào cơ quan bị ảnh hưởng mà các triệu chứng sẽ khác nhau. Các triệu chứng lao phổi phổ biến thường gặp là:

  • Ho kéo dài trong 2 – 3 tuần hoặc lâu hơn có thể do nhiễm lao phổi.
  • Ho, khạc ra đờm từ sâu trong phổi, đôi khi vướng máu, ho ra máu, cổ họng khàn, có đờm.
bệnh lao
Bệnh nhân có thể ho ra máu khi mắc bệnh lao
  • Đau tức ngực.
  • Ăn mất ngon, sụt cân
  • Cảm giác yếu sức, mệt mỏi.
  • Thỉnh thoảng sốt.
  • Đổ mồ hôi về đêm.
  • Sưng tấy ở cổ, nách, háng…

2.2. Các triệu chứng khác

Còn một vài những triệu chứng khác của bệnh ít xảy ra không được để cập đến. Các triệu chứng của lao cũng có thể do nhiều căn bệnh liên quan đến phổi khác gây ra. Không phải bệnh nhân bị lao đều có tất cả các triệu chứng kể trên mà nhiều người thường chỉ xuất hiện một vài triệu chứng nhẹ. Ngoài ra, giai đoạn đầu các triệu chứng này thường chỉ giống như bệnh cảm cúm thông thường; bệnh càng có xu hướng xấu đi thì các triệu chứng xuất hiện càng nhiều và nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra các dấu hiệu này cũng thường gặp ở nhiều loại bệnh khác (không phải bệnh lao phổi) gây ra. Do vậy để biết mình có phải đang mắc bệnh lao hay không một cách chính xác nhất, bạn nên đến các cơ sở y tế khác nhau để làm các xét nghiệm chẩn đoán.

Xem thêm:

3. Nguyên nhân của bệnh lao phổi

Nguyên nhân chính gây ra bệnh lao là vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis (MTB- vi khuẩn hiếu khí) lây nhiễm từ người sang người qua đường không khí. Người thường có thể mắc bệnh nếu tiếp xúc với không khí, hay những giọt nhỏ li ti có vi khuẩn phát tán trong không khí.

bệnh lao
Vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis là nguyên nhân chính gây ra lao phổi

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn lao MTB không hoạt động ngay mà sẽ ở trạng tháng “ngủ”. Giai đoạn này chính là giai đoạn ủ bệnh. Bệnh nhân đã nhiễm lao nhưng không có triệu chứng vì vi khuẩn chưa chính thức hoạt động.

Nếu xét nghiệm bệnh ở giai đoạn này, người bệnh vẫn sẽ nhận được kết quả dương tính. Nguy cơ phát triển bệnh và khả năng chữa khỏi sẽ tăng cao nếu phát hiện và điều trị bệnh sớm vào giai đoạn này.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, cứ mười người nhiễm vi khuẩn lao MTB thì sẽ có một người phát triển thành bệnh. Vi khuẩn gây bệnh thường không hoạt động ngay mà sẽ chờ cho tới khi hệ thống miễn dịch của cơ thể yếu đi và không còn đủ sức chống cự lại. Vì thế, khoảng thời gian giai đoạn ủ bệnh của mỗi người là khác nhau.

Khi hoạt động, vi khuẩn sẽ phát triển từ phổi và theo máu đi sang các cơ quan khác của cơ thể.

4. Bệnh lao phổi lây nhiễm như thế nào?

Người bệnh lao phổi nặng sẽ phát tán vi khuẩn lao trực tiếp khi ho, thông qua những giọt bắn. Người bình thường khi tiếp xúc gần, hít phải những giọt bắn li ti hay không khí có vi khuẩn lao sẽ bị mắc bệnh.

bệnh lao
Lao phổi lây truyền khi người thường tiếp xúc với vi khuẩn qua dịch hắt hơi, khí thở ra từ người bệnh

5. Những ai có nguy cơ mắc bệnh lao phổi

Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh lao phổi. Tuy nhiên, những nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh lao bao gồm:

  • Bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS hoặc các bệnh làm suy yếu hệ miễn dịch khác.
  • Người đã tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc bệnh lao.
  • Những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân bị lao, như bác sĩ hay y tá hay người ở chung nhà.
  • Sống và làm việc ở nơi có người bị lao, như trại tị nạn, trạm xá.
  • Người sống ở nơi có điều kiện y tế kém phát triển.
  • Lạm dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá hoặc ma túy.
  • Du lịch đến những nơi bệnh lao vẫn còn phổ biến. Đa số là ở những khu vực còn đang phát triển như Mỹ Latinh, Châu Phi, Châu Á, Đông Âu và Nga.

6. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao phổi

Bệnh lao phổi dễ phát triển khi hệ miễn dịch suy yếu. Vì khi đó, bạch cầu không đủ sức để chống lại các vi khuẩn lao đi vào cơ thể. Vì thế đa số những người có hệ miễn dịch yếu thường có nguy cơ cao nhiễm bệnh khi tiếp xúc phải vi khuẩn lao.

  • Bệnh HIV/AIDS.
  • Người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh thận, huyết áp cao,… Đặc biệt là người đã tạm ngưng điều trị.
  • Một số căn bệnh ung thư.
  • Người có thể lực suy yếu hoặc suy dinh dưỡng.
  • Những người đang thực hiện một số phương pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như hoá trị liệu.
  • Người đang dùng một số loại thuốc dùng để điều trị viêm khớp, bệnh Crohn và bệnh vảy nến.
  • Lạm dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu bia và ma túy.
bệnh lao
Dùng chất kích thích làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao
  • Người đang dùng thuốc steroid và một số thuốc điều trị chống ung thư.
  • Người đã trải qua phẫu thuật lớn.

Xem thêm:

7. Những di chứng của bệnh lao phổi?

Bệnh lao phổi có khả năng lây lan rộng, khó kiểm soát sự lây lan. Thậm chí ngay cả khi phòng ngừa cẩn thận, người khỏe mạnh vẫn có thể lây lao phổi từ người bệnh. Những di chứng mà bệnh lao phổi gây ra có thể kể đến như:

7.1. Ho ra máu

Ho ra máu là tình trạng rất thường gặp ở bệnh nhân mắc bệnh lao phổi. Đây là một di chứng nguy hiểm vì có thể gây tử vong nhanh chóng. 

7.2. Giãn phế quản

Vi khuẩn lao phá hủy nhu mô phổi, tổ chức xơ phát triển, dây xơ co kéo làm phế quản bị biến dạng, lâu dần hẹp lại. Phế quản của vùng phổi bị lao có thể bị di chứng giãn phế quản.

Giãn phế quản là di chứng rất thường gặp ở bệnh nhân mắc lao phổi, cả trẻ em và người lớn. Đây là biến chứng nguy hiểm, có thể tử vong và không thể chữa khỏi bằng thuốc được.

Giãn phế quản khu trú có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng tái diễn, ho ra máu lượng nhiều. Một số trường hợp có thể phải mổ cắt bỏ phần phổi bệnh.

7.3. U Nấm Phổi Aspergillus

Vi khuẩn lao tấn công vào nhu mô phổi sẽ tạo thành những hoại tử bã đậu. Sau khi điều trị ổn sẽ để lại những hang lao. Những hang lao này nếu nhỏ sẽ từ từ bị xơ hóa và biến mất. Trường hợp nhu mô phổi bị tổn thương nhiều tạo thành những hang lao lớn thì rất khó bị xơ hóa. Hang lao nếu tồn tại lâu có thể bị nấm Aspergillus fumigatus trong không khí bám vào, rồi chúng sẽ sinh sôi, phát triển thành cục nấm gọi là u nấm phổi.

bệnh lao
U nấm phổi Aspergillus là một trong những di chứng nguy hiểm của lao phổi

7.4. Xơ phổi

Vùng nhu mô phổi bị lao khi lành bệnh sẽ thành thẹo. Hay còn được gọi là bị hóa xơ. Nếu ít, tình trạng này không ảnh hưởng đến chức năng phổi. Nếu nhiều quá, phần phổi bị xơ không hoạt động trao đổi khí được, dẫn đến bệnh nhân bị suy hô hấp.

Có nhiều người khi chụp phim phổi mới tình cờ phát hiện có tổn thương xơ, một di chứng của lao trước đó đã tự khỏi. Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị riêng biệt cho di chứng này.

7.5. Tràn khí màng phổi

Tràn khí màng phổi là trường hợp các tổn thương dạng bóng khí nằm ở sát bên màng phổi bị vỡ làm không khí tràn vào khoang màng phổi. Di chứng này rất nghiêm trọng, có thể gây ra tình trạng suy hô hấp nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Nếu là người đã suy hô hấp do di chứng của bệnh phổi khác có sẵn, bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,… thì tràn khí màng phổi sẽ gây suy hô hấp cấp, gây nguy hiểm đến tính mạng.

7.6. Suy hô hấp mãn tính

Nếu tình trạng bệnh lao phổi quá nặng, phổi bị tổn thương nhiều, bị xơ hóa nhiều thì hoạt động trao đổi khí không diễn ra được, lâu ngày gây suy hô hấp mãn tính.

Bệnh sẽ càng tiến triển nhanh hơn nếu bệnh nhân là người nghiện hoặc có sử dụng thuốc lá.

8. Cách phòng ngừa bệnh lao phổi

Bệnh lao phổi hoàn toàn có thể phòng ngừa. Cách phòng ngừa lao phổi hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin BCG để phòng chống bệnh cho trẻ em. Hiện nay, nhà nước đang thực hiện tiêm phòng lao ngay tháng đầu sau sinh trong chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Những phương pháp khác để phòng ngừa bệnh lao phổi có thể kể đến như:

  • Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để bảo vệ bản thân khỏi những khí thải độc hại từ môi trường hay phải tiếp xúc với người bệnh lao phổi.
  • Che miệng khi hắt hơi để đề phòng lây nhiễm cho người khác trong trường hợp bản thân không nhận biết được bệnh.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng; đặc biệt là trong và sau khi tiếp xúc với người bệnh.
  • Không dùng chung đồ dùng với người mắc bệnh để tránh bị lây nhiễm.
  • Xây dựng một lối sống và sinh hoạt lành mạnh như: ăn uống đủ dinh dưỡng, hợp lý, ngủ đủ giấc, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.
bệnh lao
Xây dựng lối sinh hoạt lành mạnh để phòng ngừa viêm phổi
  • Không sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá và ma túy.
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ xung quanh nơi ở, nơi làm việc.
  • Khám sức khỏe định kỳ là việc làm cần thiết để phát hiện sớm và đề phòng bệnh lao phổi nói riêng và các bệnh lý khác nói chung.

Bệnh lao là một căn bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, trong 10 trường hợp tiếp xúc với vi khuẩn lao chỉ có 1-2 người nhiễm bệnh nếu có được sức khỏe và hệ miễn dịch tốt. Một người khỏe mạnh hoàn toàn có thể chống lại vi khuẩn gây lao phổi nhờ vào hệ miễn dịch. Do đó, để bảo vệ sức khỏe cá nhân, gia đình và xã hội, việc nâng cao sức đề kháng bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh là điều nên được ưu tiên hàng đồng. Vì một xã hội không còn lao phổi.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here