Truyền thống “tôn sư trọng đạo”, biết ơn thầy cô luôn luôn hiện hữu trong mỗi người học sinh. Đó là truyền thống quý báu mà ông cha ta đã để lại từ ngàn đời xưa. Đơn giản vì “không thầy đố mày làm nên”. Hãy cùng viết về lòng biết ơn với những người lái đò ấy.
1. Dàn ý: Nghị luận xã hội về lòng biết ơn thầy cô – Những người lái đò thầm lặng
1.1. Mở bài
- Dẫn dắt vấn đề: Biết ơn công lao của người khác luôn là truyền thống quý báu của dân tộc ta từ muôn đời.
- Nêu vấn đề: Biết ơn thầy cô giáo chính là thể hiện những tình cảm dành cho người đã dìu dắt ta trên con đường tìm đến tri thức. Đó là thứ thái độ mà mỗi học sinh nên có.

1.2. Thân bài
1.2.1. Giải thích ý nghĩa của từ “Biết ơn”
- “Biết ơn” thầy cô giáo chính là một thái độ sống, một tình cảm vô cùng tốt đẹp. là sự trân trọng và ghi nhớ công ơn dạy dỗ của quý thầy cô dành cho những học sinh của mình.
1.2.2. Tại sao cần phải biết ơn thầy cô giáo
- Nếu cha, mẹ là những người sinh ra ta thì thầy cô chính là người cha, người mẹ thứ hai. họ đã dạy cho chúng ta từng con chữ, từng đạo lý làm người. Giups cho ta hoàn thiện cả về nhân cách lẫn trí tuệ cần có của một con người.
- Thầy cô giáo là người truyền cho chúng ta ngọn lửa tri thức, thắp sáng con đường tìm đến thành công của mỗi con người. Những công lao ấy chúng ta không thể nào quên và chối bỏ sau khi rời ghế nhà trường ra xã hội được.
- Những biểu hiện cần có của một người có lòng biết ơn thầy cô giáo:
- Luôn ngoan ngoãn, lễ phép với thầy cô giáo khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
- Phải chăm chỉ học tập, nghe lời thầy cô để không phụ những công lao dạy dỗ của thầy cô giáo.
- Phải luôn luôn có thái độ yêu quý, tôn trọng tất cả các thầy cô của mình dù có học hay không học.
- Những người có thái độ biết ơn thầy cô giáo sẽ luôn được mọi người xung quanh yêu quý, tôn trọng.

1.2.3. Cần làm gì để thể hiện lòng biết ơn thầy cô giáo?
- Bạn không chỉ thể hiện lòng biết ơn thầy cô giáo bằng lời nói mà còn phải bằng những hành động thiết thực:
- Nói những lời cảm ơn với thầy cô.
- Phải tự có ý thức trong việc học tập, tích cực rèn luyện bản thân để không phụ lòng thầy cô đã dạy dỗ.
- Phải luôn có hành động, thái độ đứng đắn với thầy cô.
- Để ghi nhớ công ơn to lớn mà thầy cô đã dành cho chúng ta, cả nước đã chọn ngày 20-11 hằng năm làm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là ngày để học sinh có thể gửi gắm những lời chúc, gửi gắm sự biết ơn sâu sắc đến quý thầy cô giáo.
1.2.4. Mở rộng vấn đề

- Cần phê phán những con người vô ơn, có thái độ và những hành vi không đúng đắn với thầy cô của mình. Chưa kể đến những trường hợp, nhiều học sinh còn chửi bới, đánh thầy cô của mình ngay trên bục giảng.
- Bên cạnh đó, cần lên án, phê phán những phụ huynh lợi dụng ngày 20-11 để đút lót thầy cô bằng quà cáp nhiều giá trị. Lợi dụng thầy cô giúp học sinh gian lận trong học tập. Đó là một điều không nên.
1.3. Kết bài
- Khẳng định lại vấn đề một lần nữa: Biết ơn thầy cô là một truyền thống của dân tộc Việt Nam, chính vì vậy cần phải được giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp ấy.
- Liên hệ đến bản thân mình: Bạn đã làm được những gì để thầy cô vui lòng, không phụ công lao của thầy cô. Là một người học sinh, bạn cần phải cố gắng nhiều hơn trong quá trình học tập và tích cực rèn luyện đạo đức để không phụ lòng thầy cô giáo, không phụ lòng cha mẹ.
2. Nghị luận xã hội về lòng biết ơn thầy cô – Bài mẫu tham khảo

Truyền thống tôn sư trọng đạo hay lòng biết ơn thầy cô từ lâu đã trở thành một đức tính vô cùng quý báu mà ông cha ta đã duy trì bao đời nay. Đó như là kim chỉ nam, xuyên suốt lịch sử và trở thành một đạo lý tốt đẹp để con cháu đời sau phải noi theo. Có câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, dù thầy cô không dạy chúng ta trong một thời gian dài thì đó cũng đều là những người lái đò thầm lặng, chèo lái con đò tri thức cho ta cập bến tương lai.
Trong ca dao tục ngữ Việt Nam có lẽ không ai là không biết đến câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng”. Câu ca dao này muốn tôn lên vai trò của những người đã giúp đỡ chúng ta trong cuộc sống. Những người đó là bố mẹ, là thầy cô, những người đã tạo ra cho ta hình hài, mang lại cho chúng ta tri thức. Đó chính là hai thứ quý giá nhất trong cuộc đời của mỗi con người.
Truyền thống Tôn sư trọng đạo tồn tại đã hàng ngàn năm nay. Đó là một truyền thống vô cùng quý báu mà ai ai trong chúng ta cũng phải ghi nhớ và noi theo. Trong lịch sử nước nhà, cũng đã có biết bao nhiêu tấm gương khiến nhiều người phải trầm trồ ngưỡng mộ.
Ngày xưa, cụ Chu Văn An là một thầy giáo nổi tiếng trong lịch sử Việt lúc bấy giờ. Cụ mở lớp dạy học cho nhiều người, trong đó có rất nhiều học trò của cụ trở thành người tài cống hiến phò tá cho đất nước. Thế nhưng, dù đã đỗ đạt bảng vàng, những người học trò ấy cũng không bao giờ quên đi công lao dạy dỗ của thầy mình. Mỗi lần có dịp, họ đều ghé thăm với một thái độ vô cùng lễ phép và biết ơn. Thông qua câu chuyện này, ta thầy được, dù chúng ta có ở bất cứ vị trí nào trong xã hội đi nữa thì đạo làm một người học trò vẫn không bao giờ sai lệch.
Bởi vì thầy cô chính là những người cho chúng ta nguồn tri thức, văn hóa tốt đẹp. Mặc cho thời gian, không gian có như thế nào đi nữa, ánh sáng tri thức mà người thầy soi rọi cho con đường chúng ta đi vẫn sẽ sáng mãi, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào.
Thầy cô là những người dìu dắt ta tiến gần đến tương lai, bay cao, bay xa đến những hoài bão, khát vọng to lớn mà mỗi người ấp ủ trong cuộc đời này. Hơn thế nữa, còn giúp ta trở thành một người công dân có ích cho đất nước, cho xã hội. Thầy cô được ví như người cha, người mẹ thứ hai của ta trong cuộc đời. Ngoài cho ta tri thức, thầy cô còn dạy cho ta biết những đạo lý làm người. Giáo dục chúng ta trở thành những con người có văn hóa, biết đối nhân xử thế.
Lúc ta cảm thấy mệt mỏi nhất, muốn gục ngã nhất, thầy cô là người ở bên khuyến khích động viên ta, tiếp cho ta thêm ý chí để vượt qua giông bão của cuộc đời. Chỉ bao nhiêu công ơn đó thôi cũng đủ thấy được tình yêu thương mà ta được nhận từ thầy cô giáo to lớn đến chừng nào. Vậy bạn đã làm được những gì để bày tỏ lòng biết ơn thầy cô của mình chưa?
Nếu thầy cô giáo không dạy chúng ta nên người, không truyền cho ta những vốn tri thức bổ ích thì chắc gì ta đã có được những thành công hôm nay. Chắc gì ta đã là ai trong xã hội này, đừng nói đến chuyện giúp đỡ đất nước. Vì vậy, ai ai cũng đều cần có lòng biết ơn thầy cô của mình.
Ấy vậy mà, có không ít những học sinh vô cùng thiếu ý thức, vô văn hóa, chẳng xem thầy cô của mình ra gì cả. Những học sinh đó, đến lớp không chịu chăm chỉ học hành, lại còn quậy phá, nghịch ngợm, khiến cho bố mẹ, thầy cô phải phiền lòng không ít.
Thậm chí, nhiều em còn đi mắng chửi, nói xấu thầy cô khi bị điểm kém. Thử hỏi lòng biết ơn thầy cô của các bạn là như vậy sao? Thật vô cùng đáng trách! Đừng nghĩ bày tỏ lòng biết ơn thầy cô giáo là làm những điều gì đó to lớn. Thực tế, bạn chỉ cần ngồi trong lớp chăm chỉ học tập, chú ý nghe thầy cô giảng bài, dành được những con điểm tốt. Đó đã là thể hiện sự biết ơn thầy cô rồi!

Vào những ngày 20-11, các bạn học sinh thường họp lại với nhau để đến thăm thầy cô của mình, chỉ cần nhìn những hành động ấy, thầy cô của bạn đã vui biết nhường nào. Đó được coi là biểu hiện của những học sinh ngoan, biết ơn thầy cô. Có câu:
Qua sông thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.
Đó là lý do tại sao, những bậc phụ huynh dù là thầy cô giáo của con mình cũng đều gọi bằng “thầy”, “cô”. Đó là thể hiện sự kính trọng với những người đã gieo trồng từng con chữ cho con em của mình. Thật vậy! Nếu trên xã hội này không có nghề dạy học thì sẽ trì trệ và kém phát triển đến thế nào. Ngay bây giờ, hãy thể hiện và bày tỏ lòng biết ơn với những người thầy, người cô của mình. Họ xứng đáng được chúng ta yêu quý và kính trọng.
Thế nhưng cũng có không ít phụ huynh lại mượn những ngày 20-11 để lợi dụng làm những việc trái đạo đức. Họ đút lót bằng nhiều món quà vật chất, hy vọng có thể giúp cho con cái của họ đạt được những con điểm tốt trong học tập. Đó chính là hình thức gian lận trong học tập cần phải lên án.
Không những vậy, hành động đó còn xúc phạm nghiêm trọng đến sự cao quý của nghề giáo. Chưa kể, khi thầy cô phạt học sinh vì ngỗ nghịch, cha mẹ của các bạn lại đến chửi mắng, lăng mạ thậm chí là hăm dọa đánh đập thầy cô. Đó chẳng phải là hành động trái với luân thường đạo lý hay sao. Vô tính lại làm những tấm gương xấu trong mắt con mình.
Xã hội ngày càng phát triển không ngừng, muốn đưa đất nước ngày càng phát triển hơn nữa thì vai trò của thầy cô là vô cùng quan trọng. Thầy cô là người vun trồng, chăm sóc cho những búp măng non, những mầm non tương lai của đất nước. Giups cho đất nước có thể vươn cao vươn xa hơn ra thế giới. Vì vậy, ngay từ bây giờ, hãy thể hiện lòng biết ơn thầy cô – những người lái đò thầm lặng, để truyền thống Tôn sư trọng đạo luôn tồn tại và được duy trì muôn đời.
Trên đây là bài mẫu và dàn ý tham khảo cho bài nghị luận xã hội về lòng biết ơn thầy cô giáo. Các bạn có thể tham khảo những ý chính để xây dựng bài văn hoàn hảo cho riêng mình nhé!