Viêm loét dạ dày – tá tràng là căn bệnh không hiếm gặp trong thời đại mọi người đều vắt chân lên cổ mà chạy hiện nay. Viêm loét dạ dày – tá tràng gây nhiều hệ lụy tiêu cực đến sức khỏe và đang ngày càng có dấu hiệu trẻ hóa.
1. Viêm loét dạ dày – tá tràng là gì?
Viêm loét dạ dày – tá tràng là căn bệnh khá thường gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là độ tuổi từ 30 đến 50.
Bệnh chiếm tỷ lệ từ 4 – 6% ở phương Tây và trên 10% ở châu Á, và nam giới có tỷ lệ mắc bệnh nhiều hơn nữ.
Viêm loét dạ dày – tá tràng là tổn thương gây viêm và loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng (phần đầu ruột non). Loét tá tràng thường gặp nhiều nhất, nhiều hơn gấp 3 đến 4 lần loét dạ dày. Loét dạ dày xảy ra do lớp mô bên dưới bị lộ ra khi lớp niêm mạc bảo vệ cuối cùng của dạ dày bị bào mòn.
Bệnh có thể gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa nếu ổ loét lớn, chảy máu dạ dày. Bệnh nhân có thể tử vong do mất máu nếu không phát hiện biến chứng xuất huyết tiêu hóa để điều trị kịp thời thì.

2. Triệu chứng viêm loét dạ dày – tá tràng
Bệnh nhân bị viêm loét dạ dày – tá tràng thường xuất hiện các triệu chứng:
2.1. Đau chướng bụng vùng thượng vị
Vùng thượng vị chính là vùng bụng trên rốn. Đau rát vùng thượng vị chính là dấu hiệu chính của bệnh. Bệnh nhân thường sẽ có cảm giác nóng rát, đau tức bụng hoặc quặn từng cơn, đau âm ỉ kéo dài. Cơn đau thường xuất hiện vào lúc đói hoặc sau ăn từ 2-3 tiếng. Có thể trở đau về đêm gần sáng.
2.2. Mất ngủ, ngủ chập chờn, không sâu giấc
Bệnh nhân thường khó ngủ, gián đoạn giấc ngủ do những cơn đau gây ra.
2.3. Đầy bụng, khó tiêu, lúc nào cũng cảm thấy buồn nôn
Đây cũng là những triệu chứng phổ biến thường gặp ở một bệnh nhân bị viêm loét dạ dày – tá tràng. Khi bị viêm loét, dạ dày và tá tràng bị tổn thương và suy giảm chức năng khiến nó hoạt động chậm lại. Người bệnh vì vậy thường có cảm giá chướng bụng, đầy hơi.
2.4. Ợ chua, ợ nóng
Thường xuất hiện ở những bệnh nhân có hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản.

Xem thêm:
- TOP 20 loại nước uống giảm mỡ bụng & giảm cân hiệu quả
- Lắc vòng có tốt không? Bí quyết lắc vòng để giảm eo, giảm mỡ bụng
- Black Tea Macchiato – Cơn sốt hiện nay của giới trẻ
2.5. Rối loạn tiêu hóa
Thường xuyên tiêu chảy và táo bón là dấu hiệu rối loạn tiêu hóa thường gặp ở những bệnh nhân bị viêm loét dạ dày – tá tràng.
2.6. Thường gặp những vấn đề về cân nặng
Thường thấy là sụt cân hoặc tăng cân bất thường. Do hệ tiêu hóa hoạt động không ổn định, người bệnh thường dễ sụt cân. Trong một vài trường hợp, vì để bụng đói sẽ xuất hiện triệu chứng đau, bệnh nhân phải ăn nhiều hơn gây tăng cân nhanh chóng.
Những triệu chứng trên chỉ mang tính chẩn đoán tạm thời, không thể chính xác hoàn toàn. Người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Đặc biệt là tiến hành nội soi dạ dày và tá tràng. Từ đó có thể xác định được chính xác vị trí bị loét, kích thước và mức độ tổn thương của vết loét.
3. Nguyên nhân nào dẫn đến loét dạ dày – tá tràng?
Nguyên nhân chính gây ra viêm loét dạ dày – tá tràng chủ yếu là do vi khuẩn Helicobacter pylori (hay còn gọi là vi khuẩn HP). Ngoài ra, viêm loét dạ dày – tá tràng xảy ra còn do dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), thường dùng để trị đau khớp.
3.1. Viêm loét dạ dày – tá tràng do nhiễm vi khuẩn helicobacter pylori (Vi khuẩn HP)
50% trường hợp bị viêm loét dạ dày – tá tràng là do nhiễm khuẩn helicobacter pylori. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn helicobacter pylori sẽ sinh sống, “làm ổ” và phát triển tại lớp nhầy của niêm mạc dạ dày – tá tràng. Tại đây, chúng sẽ tiết ra các độc tố phá hủy niêm mạc dạ dày và tá tràng; từ đó làm mất khả năng chống lại axit của niêm mạc.
Vi khuẩn helicobacter pylori là nguyên nhân chính dẫn đến viêm loét dạ dày – tá tràng mãn tính. Lâu dần, bệnh viêm loét này có thể phát triển thành ung thư.

3.2. Thường xuyên sử dụng thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau
20-25% bệnh nhân bị mắc bệnh là do lạm dụng thuốc giảm đau, kháng viêm (NSAIDs). Khi sử dụng lâu dài, các loại thuốc giảm đau và kháng viêm sẽ gây ức chế, sụt giảm hàm lượng prostaglandin – chất có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày. Vì thế dễ gây viêm loét dạ dày – tá tràng.
3.3. Nguyên nhân khác
Viêm loét dạ dày – tá tràng còn do một số nguyên nhân ít gặp khác gây ra như: u tiết gastrin, thuốc hóa trị, xạ trị, bệnh thâm nhiễm, thiếu máu…
4. Những yếu tố làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày – tá tràng
- Stress: Những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, lo lắng, buồn bực có tác động xấu đến hệ tiêu hóa. Căng thẳng thần kinh kéo dài làm mất cân bằng chức năng dạ dày; khiến dạ dày tăng tiết dịch vị. Dịch vị dạ dày có tính axit, vì thế khi tiết ra quá nhiều sẽ khiến lớp niêm mạc dạ dày bị tổn thương.

- Nhịn ăn sáng: Nhịn ăn sáng đã được chứng minh là mang lại vô vàn những tác hại xấu đến sức khỏe. Trong đó có nguy cơ bị viêm loét dạ dày – tá tràng.
- Chế độ ăn uống và sinh hoạt không điều độ: Ăn không đúng bữa, ăn quá no hoặc quá đói gây xáo trộn hoạt động co bóp của dạ dày. Lúc này dạ dày sẽ tăng tiết dịch vị, lớp bảo vệ niêm mạc bị tổn thương. Lâu dần sẽ dẫn đến viêm và gây loét dạ dày – tá tràng.
- Sử dụng chất kích thích: Bia rượu, thuốc lá cũng là một trong số những yếu tố gây tăng nguy cơ mắc bệnh. Lạm dụng rượu bia gây gia tăng áp lực carbon dioxide trong dạ dày; khiến vết thương tại ổ viêm trở nên nặng nề hơn và có thể gây thủng dạ dày. Chất độc hại trong khói thuốc lá sẽ làm bong tróc niêm mạc và dẫn đến viêm loét dạ dày.
5. Hậu quả do loét dạ dày – tá tràng gây ra
Viêm loét dạ dày – tá tràng nếu không chữa trị kịp thời sẽ trở thành viêm mãn tính, khó điều trị dứt điểm. Từ đó dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng khác như:
- Thủng dạ dày – tá tràng: Khi thủng dạ dày – tá tràng, bệnh nhân sẽ lên cơn đau bụng đột ngột, dữ dội, bụng co cứng.

- Xuất huyết tiêu hóa: Những vết loét nếu để lâu không được điều trị có thể bị chảy máu, dẫn đến tình trạng mất máu, nguy hiểm đến tính mạng. Dầu hiệu nhận biết xuất huyết tiêu hóa là đau đầu, chóng mặt, nôn ra máu hoặc phân có màu đen bất thường.
- Hẹp môn vị: Các dấu hiệu của hẹp môn vị như là nôn mửa, bụng óc ách và sút cân nhanh. Nguyên nhân do dạng mô viêm xơ phát triển trên ổ loét ở môn vị – tá tràng. Hậu quả là gây hẹp lòng dạ dày – tá tràng, khiến thức ăn khó đi qua đường tiêu hóa.
Xem thêm:
- Cách đeo lens và những lưu ý cho người mới bắt đầu
- Nhảy hiện đại – Những thông tin cần biết khi muốn học
- Bé bị đau mắt nhiều ghèn, nguyên nhân do đâu gây nên?
6. Chẩn đoán loét dạ dày – tá tràng
Bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và chẩn đoán nếu có bất kỳ triệu chứng nào kể trên. Có nhiều phương pháp để chẩn đoán chính xác viêm loét dạ dày – tá tràng:
- Nội soi dạ dày – tá tràng: Đây là phương pháp trực tiếp và chính xác nhất để chẩn đoán. Nội soi không những xác định được có bị loét hay không; xác định vị trí và kích thước ổ loét; mà còn phát hiện được những sang chấn khó thấy ở niêm mạc và sinh thiết tổn thương để khảo sát mô học.
- Xét nghiệm vi khuẩn H.Pylori: Vi khuẩn này được phát hiện thông qua việc phân tích mẫu phân, mẫu máu hoặc từ một mẫu sinh thiết lấy trong nội soi.
7. Phòng ngừa viêm loét dạ dày – tá tràng
7.1. Sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng hợp lý
Phương pháp tốt nhất để phòng ngừa viêm loét dạ dày – tá tràng đó là tập luyện cho mình một lối sống lành mạnh và ăn uống theo chế độ dinh dưỡng hợp lý:
- Sử dụng ít và không lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá. Loại bỏ hẳn thói quen uống rượu. Chỉ nên uống ít hơn 330ml bia/ngày đối với nữ, và 70ml bia/ ngày đối với nam để mang lại những lợi ích tích cực cho sức khỏe.

- Ăn chín uống sôi, ăn các thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc.
- Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Tăng cường bổ sung rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt để đảm bảo vitamin và chất xơ cần thiết.
- Không bỏ bữa. Ăn chậm nhai kỹ, không ăn quá no và cũng không để bụng quá đói. Nếu nhanh đói, hãy chia nhỏ các bữa ăn nhằm đảm bảo không lên cơn đau vì dạ dày rỗng.
- Hạn chế ăn các loại thức ăn nhanh, các món ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ. Việc tiêu hóa các món ăn này sẽ khiến dạ dày tiết nhiều axit hơn, gây kích ứng dạ dày.

7.2. Tập trung vào sức khỏe tinh thần
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung sạch sẽ. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn trước khi ăn và sau khi vệ sinh để tránh nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn H. Pylori.
- Tránh lạm dụng và hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm. Đặc biệt là các thuốc thuộc nhóm NSAIDs khi không có sự chỉ dẫn của bác sĩ và chưa cần thiết như ibuprofen, aspirin, naproxen,…
- Hạn chế những cảm xúc tiêu cực, không để thần kinh căng thẳng kéo dài. Phân bổ thời gian học tập và thời gian làm việc hợp lý. Duy trì tinh thần tích cực để tránh gây áp lực lên hệ tiêu hóa.
- Tăng cường luyện tập thể dục thể thao để cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa và các cơ quan khác trong cơ thể. Luyện tập thể dục thể thao cũng là phương pháp hiệu quả để cải thiện tinh thần.
8. Một số điều cần lưu ý với bệnh nhân viêm loét dạ dày – tá tràng
- Tuân thủ dặn dò của bác sĩ để điều trị hiệu quả. Uống thuốc đúng giờ và đúng liều theo chỉ định của bác sĩ.
- Sử dụng ít và không lạm dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia. Không lạm dụng các loại thuốc giảm đau NSAIDs.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung tốt.
8.1. Thực phẩm nên ăn
- Các thực phẩm có chứa nhiều đạm dễ tiêu: thịt lợn nạc, cá nạc.
- Rau củ quả tươi: chọn các loại rau củ non, ưu tiên các rau củ quả họ cải (cải bắp, củ cải, hoặc rau cải).
- Sử dụng các loại tinh bột dễ tiêu như cơm, bánh mì, hoặc là các loại cháo, khoai củ.
- Sử dụng dầu thực vật từ các loại hạt (dầu hạt hướng dương, dầu vừng, dầu hạt cải, đậu nành…).
8.2. Thực phẩm nên tránh
- Tránh những loại thức ăn cứng, dai, hay rau có nhiều xơ (rau già, rau cần…). Tránh ăn quả xanh sống, các loại quả chua (chanh, cóc, xoài xanh, sấu…).
- Ăn ít các gia vị, dấm tỏi, tiêu ớt, hoặc các loại dưa cà muối, hành muối.
- Hạn chế sử dụng các loại nước có gas, nước trà, cà phê đậm đặc.
Viêm loét dạ dày – tá tràng đang ngày càng có dấu hiệu gia tăng do nhịp sống và chế độ sinh hoạt đòi hỏi con người không còn quan tâm nhiều đến ăn uống lành mạnh. Qua bài viết trên, hy vọng mọi người đã phần nào có được cái nhìn tổng quan về căn bệnh phổ biến và nguy hiểm này. Đồng thời loại bỏ những cảm xúc tiêu cực, những thói quen không lành mạnh để hạn chế nguy cơ mắc viêm loét dạ dày – tá tràng.