Ngày Quốc Tế Hạnh phúc hay Ngày Hạnh phúc (International Day of Happiness) là một ngày để tôn vinh, nâng cao và phát triển hạnh phúc trên toàn cầu. Vậy Ngày Quốc Tế Hạnh phúc bắt nguồn như thế nào và ý nghĩa của nó ra sao, cùng tìm hiểu qua bài viết nhé.
1. Nguồn gốc, lịch sử và ý nghĩa Ngày Quốc Tế Hạnh Phúc
1.1. Nguồn gốc và lịch sử
Chính thức có từ năm 2013, Ngày Quốc tế Hạnh phúc (International Day of Happiness) là ngày 20 tháng 3 dương lịch hàng năm. Ngày này là ý tưởng của một chuyên gia Liên Hợp Quốc có tên Jayme Illien nhằm tôn vinh giá trị và tầm quan trọng của hạnh phúc, phát triển cũng như nâng cao hạnh phúc trên toàn cầu.
Vào năm 2011, Illien đã đưa ra ý tưởng và khái niệm về việc cả thế giới nên tạo ra một ngày đặc biệt toàn cầu về nhận thức cho các quan chức cấp cao của tổ chức Liên Hợp Quốc.
Ngày Quốc Tế Hạnh Phúc được Đại hội đồng Liên Hiệp quốc quyết định chính thức khi được sự nhất trí của tất cả 193 quốc gia thành viên thông qua Nghị quyết A/RES/66/281 vào ngày 20 tháng 6 năm 2012, chọn để tôn vinh niềm hạnh phúc của toàn nhân loại trên thế giới và cùng với mục tiêu không chỉ là một ngày mang ý nghĩa biểu tượng đơn thuần, mà còn là ngày của những hành động, tích cực và nỗ lực hơn để xây dựng một thế giới đại đồng, đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người trên trái đất.

Ngày Quốc Tế Hạnh phúc được lấy ý tưởng từ một nước khá xa lạ có tên là Bhutan, một quốc gia nhỏ ở khu vực Nam Á, nằm sâu trong phần lục địa phía Đông của dãy Himalaya. Bắt đầu từ những năm 1970, nhà vua của vương quốc Bhutan đã đưa ra một cách thức mới để đánh giá sự thịnh vượng của xã hội, đó chính là thông qua chỉ số hạnh phúc quốc gia, bên cạnh các chỉ số quen thuộc về kinh tế thường được dùng để đánh giá về sự giàu có của vật chất. Chỉ số hạnh phúc này được tính toán dựa trên các yếu tố liên quan về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường cũng như chất lượng quản lý và mức sống của người dân.
Trong cuộc họp để phát động Ngày Hạnh phúc Thế giới, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc – ông Ban Ki Moon phát biểu: “Chúng ta cần có một mô hình kinh tế mới nhận diện được tầm quan trọng của ba yếu tố cực kỳ cần thiết cho sự phát triển bền vững của nhân loại. Ba yếu tố đó bao gồm: Xã hội, Kinh tế và Môi trường. Nếu chúng ta làm được cả 3 điều này, chúng ta sẽ có một thế giới hạnh phúc”.
1.2. Ý nghĩa của ngày lễ
Ngày Quốc tế Hạnh phúc còn được khởi nguồn từ nhu cầu có một cách tiếp cận tăng trưởng kinh tế một cách cân bằng, hợp tình hợp lý hơn nữa từ đó thúc đẩy sự phát triển một cách bền vững, xóa đói giảm nghèo và cùng phấn đấu vì hạnh phúc và sự thịnh vượng cho tất cả mọi người. Nó xuất phát từ nguyện vọng của mỗi người: hãy chọn cho mình một quan niệm bản thân cho là đúng về hạnh phúc cũng như quan tâm hơn đến vấn đề cốt lõi nhất của sự sống là làm sao tìm được thật nhiều niềm vui trong cuộc sống và lan tỏa những điều tốt đẹp nhất trên khắp hành tinh này.
Bhutan chính là quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao đã ghi nhận ưu tiên chỉ số của hạnh phúc quốc gia hơn là thu nhập quốc gia ngay từ những năm đầu tiên của thập kỷ 70 thế kỷ 20. Quốc gia này nổi tiếng với việc thi hành mục tiêu tổng hạnh phúc quốc gia thay vì nâng cao tổng sản phẩm quốc nội.

Đại diện của quốc gia Bhutan cho rằng, nhu cầu về Ngày Hạnh phúc này quan trọng đối với tất cả các quốc gia và mọi người dân trên toàn thế giới, để có những bước vượt lên sự khác biệt giữa các nước và con người trên toàn thế giới, cũng như liên kết và đoàn kết toàn nhân loại.
Việc Liên Hiệp Quốc quyết định chọn ngày 20/3 hằng năm là Ngày Quốc tế Hạnh phúc còn vì đây là ngày rất đặc biệt trong năm, vào ngày này mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên ngày này có độ dài của ngày và đêm bằng nhau đây là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Điều đó cũng là biểu tượng cho sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối cũng như giữa ước mơ và hiện thực,…
Bởi vậy Ngày Quốc Tế Hạnh phúc 20/03 cũng chuyển tải thông điệp đến tất cả mọi người rằng cân bằng và hài hoà chính là một trong những chìa khoá để mang đến hạnh phúc trong cuộc sống.
Vào Ngày Quốc Tế Hạnh phúc đầu tiên 20/3/2013 Liên Hợp Quốc đã phát động thông điệp chính trên toàn thế giới: “Hãy hành động vì hạnh phúc”. Nguyên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng chia sẻ trong ngày này: “Ngày Hạnh phúc đầu tiên mở ra cơ hội để tăng cường cam kết thúc đẩy quá trình phát triển một cách bền vững và toàn diện của nhân loại, cũng như làm mới lại các cam kết của tất cả chúng ta để sẵn sàng giúp đỡ những người khác.

Khi chúng ta đóng góp cho lợi ích chung của xã hội là chúng ta cũng làm giàu cho chính mình. Lòng nhân ái sẽ mang lại hạnh phúc và giúp chúng ta kiến thiết được tương lai như chính bản thân mong muốn”.
Đối với mỗi một người khác nhau, hạnh phúc có thể mang nhiều ý nghĩa hình thái khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta đều sẽ công nhận rằng, hạnh phúc chính là chấm dứt xung đột, nghèo đói cũng như các điều kiện và hoàn cảnh không may mắn khác. Rất nhiều đồng loại trên thế giới của chúng ta hiện đang phải sống trong các điều kiện khó khăn đó. Hạnh phúc không phải là điều xa vời phù phiếm cũng không phải là điều gì đó quá xa xỉ. Hạnh phúc là khao khát sâu xa, thiết thực, chính đáng của mọi thành viên trong gia đình nhân loại.
Hạnh phúc không nên từ chối bất cứ một ai và hạnh phúc phải là của tất cả mọi người. Khát vọng này ẩn chứa trong cam kết của Hiến chương tổ chức Liên Hợp Quốc để thúc đẩy hòa bình, công bằng, nhân quyền cũng như tiến bộ xã hội và mức sống được cải thiện.
2. Ngày Quốc Tế Hạnh phúc ở Việt Nam
Việt Nam là quốc gia có hàng ngàn năm lịch sử văn hiến, do đó chúng ta không hề xa lạ đối với mục tiêu có được hạnh phúc. Kể từ khi nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ra đời đến nay, 3 chữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” đã trở thành tôn chỉ tối cao quốc gia. “Độc lập là tiền đề của tự do và hạnh phúc của nhân dân. Tự do, hạnh phúc của nhân dân chính là thước đo giá trị, là mục tiêu của mưu cầu độc lập dân tộc.
Hạnh phúc của người dân chỉ trọn vẹn khi họ được là công dân của một nước độc lập và có đời sống vật chất ngày càng đầy đủ hơn cũng như có đời sống tinh thần lành mạnh. Nhân dân phải là người chủ thực sự của đất nước và của cả quá trình phát triển. Mọi người đều có điều kiện để được phát triển toàn diện, hướng tới 3 chữ chân, thiện, mỹ. Đó cũng luôn luôn là mục tiêu, là động lực để chúng ta liên tục đổi mới mạnh mẽ, quyết tâm xây dựng và bảo vệ một nước Việt Nam Dân chủ với dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Từ năm 2014 trở đi, Việt Nam bắt đầu tổ chức các hoạt động để hưởng ứng Ngày Quốc Tế Hạnh phúc theo Quyết định 2589/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm” của Thủ tướng Chính phủ.
Việc tổ chức Ngày Quốc Tế Hạnh phúc của Việt Nam tỏ ý quyết tâm cùng cả thế giới biểu thị mong muốn, niềm tin và quyết tâm cố gắng, phấn đấu vì một thế giới hòa bình, không có khói lửa chiến tranh, không còn có đói nghèo, một thế giới mới phát triển thịnh vượng và bền vững, một thế giới mà tất cả mọi người dù khác màu da, dân tộc hay tôn giáo đều được hưởng trọn vẹn được hạnh phúc.

Trên thế giới, nhiều tổ chức đã đưa ra cách thức đánh giá hạnh phúc của nhân loại, trong đó có Việt Nam, việc đánh giá này dựa trên nhiều chỉ số. Gần đây nhất, vào cuối năm 2013, một kết quả khảo sát “Thế giới hạnh phúc” do Viện Thế giới thuộc trường Đại học Columbia (Hoa Kỳ) công bố đã cho thấy Việt Nam là quốc gia có chỉ số hạnh phúc xếp thứ 63 trên thế giới trong tổng số 156 quốc gia được khảo sát.
So sánh các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam đứng sau 3 quộc gia là Singapore (hạng 30), Thái Lan (hạng 36) và Malaysia (hạng 56).
3 tiêu chí được dựa trên để tiến hành khảo sát về mức độ hạnh phúc này là: mức độ hài lòng với cuộc sống, tình trạng cảm xúc tích cực đối với ngày hôm trước cuối cùng là tình trạng cảm xúc tiêu cực về ngày hôm trước.
Một kết quả đánh giá khác của Quỹ Kinh tế mới vào năm 2012 thì Việt Nam đứng ở vị thứ 2 về chỉ số hạnh phúc (HPI- Happy planet index) trên toàn thế giới.
Chỉ số này được đưa ra trên cơ sở đánh giá các yếu tố là: mức độ hài lòng của người dân đối với cuộc sống hiện tại, tuổi thọ bình quân cao và tiêu thụ tài nguyên ít gây tác động đến môi trường.
Khái niệm hạnh phúc của chỉ số HPI hướng đến một cuộc sống hài hòa với môi trường xã hội và môi trường tự nhiên chứ không phải đề cao vấn đề mức thu nhập.
Để Ngày Quốc Tế Hạnh phúc có ý nghĩa thiết thực và cao đẹp như ý nghĩa của nó, chúng ta hãy cùng nhau chung sức, chung lòng, trách nhiệm, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế và xã hội, đẩy mạnh các công tác xóa đói, giảm nghèo, trong đó phải đặc biệt quan tâm tới các khu vực còn nhiều khó khăn như đồng bào dân tộc thiểu số hay tới các đối tượng chính sách có nguy cơ dễ bị tổn thương. Hãy cùng nhau kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Hãy yêu thương hơn và tích cực sẻ chia để tìm thấy hạnh phúc cho mình cũng như giúp đỡ những người quanh ta, trước hết là với gia đình, là với những người thân quen để họ có nhiều giây phút hạnh phúc đích thực và ngày nào cũng trở thành Ngày Quốc Tế Hạnh phúc.